9.17.2010

Gia đình tôi

Trong ngày tĩnh lặng, với bao nhiêu tâm trạng rối bời, ngồi bên cạnh người ba nuôi coi lại cái kịch "Mong chờ" của cô chú Quang Minh - Hồng Đào, tôi lại nghĩ đến gia đình của mình. Không biết tôi đã bao lần rút cái kính xanh đen cũ kĩ, lấy bàn tay dụi đôi mắt ẩm ướt khi coi vở kịch này mỗi lần đến khúc người con trở về từ chiến trường thăm lại người cha sau 2 năm trời chỉ với lí do:" Tại con nhớ ba". Và khi người cha hỏi "Năm ngoái sao nói về mà cuối cùng lại không về?". Cậu ấy chỉ trả lời ngắn gọn: "Tại con bị thương. Con không muốn ba lo". Nghe sao mà đau lòng!

Tôi, với cái bổn phận làm con, sống trong sự đùm bọc yêu thương của cả ba lẫn mẹ quá nhiều nhưng chưa biết đến để được như vậy, ba mẹ tôi đã chịu biết bao nhiêu cay đắng.

Mẹ thường kể ngày xưa ba mẹ yêu nhau chỉ với 2 bàn tay trắng. Ba thì đi làm xa tận nơi tít mù của nhà máy thủy điện Trị An. Còn mẹ thì chỉ là cô sinh viên bương chải nơi xứ lạnh quê người mới trở về quê cha đất tổ.  Vì yêu ba, mẹ lọc cọc đạp xe hay thậm chí lò mò đi bộ đến thăm ba hàng tuần. Hình ảnh ba ngày xưa trong kí ức của mẹ là chàng thanh niên hiền lành, nước da nâu dạn dĩ sương gió nhưng ốm lắm (tôi cũng chấp nhận điều này bởi tôi hay lục lọi mấy cuốn album ngày xưa ba mẹ ra xem). Rồi ba mẹ có tôi. Ba tôi  chuyển sang công việc mới. Mẹ muốn trở lại trường học vì nghĩ rằng chí ít thì sau này có cơ hội phát triển cho gia đình nhưng ba tôi thì cố ngăn cản vì ông cũng có cái lí riêng của ông. Mà đơn giản thì ông chỉ muốn mẹ ở nhà săn sóc cho tôi. Mẹ tôi vì thương chồng con nên đành dẹp cái "ước mơ" đi học bé nhỏ ấy mà toàn tâm toàn ý săn sóc cho tôi. Đến khi tôi cứng cáp, mẹ lại kiếm việc mà làm để phụ giúp ba cùng gia đình chồng. Ông nội thì ba tôi chưa biết đến. Bà nội mất khi ba còn quá nhỏ để lại ba với người anh trai cùng 2 đứa em thơ. Thế là ba mẹ tôi không chỉ làm việc vì nuôi tôi ăn học mà còn cả toàn bộ gia đình bên nội từ nhà cửa, ăn uống, đến việc cô úc tốt nghiệp đại học kế toán.

Nhưng đáng tiếc thay, những tình cảm ba mẹ tôi cho đi bao nhiêu, cái họ nhận lại được vẫn là một con số 0. Mẹ tôi vẫn bị người trong nhà chỉ trích vì những chuyện không đâu. Vì nhà tôi chăm chỉ làm việc, bương chải cuộc sống để có miếng ăn ngon, giấc ngủ lành? Vì nhà tôi mới mua chiếc xe mới trong khi chiếc xe cũ mẹ tôi đã xài gần mười mấy năm trời? Lời đàm tiếu bao giờ cũng khiến người ta phải đau đầu. Nó khiến mẹ tôi, một người nhạy cảm, trằn trọc suốt bao đêm để tìm lời giải thích cho sự ganh đua vô nghĩa ấy. "Trước đây cũng vậy, bây giờ cũng thế. Chẳng bao giờ đổi thay."

Tôi chẳng bao giờ khóc khi nghe mẹ tôi kể. Tôi chỉ thấy hờn giận. đắng cay với mẹ khi mẹ vẫn chăm lo cho những con người bạc bẽo mẹ gọi là gia đình hơn ai hết. Mẹ tôi là người phải chịu tổn thương hơn lúc nào hết trong mọi chuyện. Người ta bảo để tôi đi học nước ngoài thì coi như là mất con. Điều đó không phải là mẹ tôi không biết. Song vì muốn tôi được độc lập, tự rèn luyện cho mình cái bản lĩnh sống, mẹ tôi đành phải chấp nhận. Điều đó tôi không được biết cho đến khi ba mẹ tiễn tôi ra đến sân bay. Lúc ấy, mọi ẩn khuất trong lòng tôi đều được giải tỏa và tôi ra đi trong lòng rất nhẹ nhàng. Không còn cái suy nghĩ rằng "Con không muốn đi"; " Mẹ ác lắm". Tôi thầm cảm ơn bà vì điều đó.

9 tháng trời sống nơi xứ người tôi hiểu được cái cảm giác ngày xưa của mẹ. Chí ít thì tôi vẫn còn nắm được trong tay vốn kiến thức eo hẹp về tiếng Anh không như mẹ tôi ngày trước, chẳng biết 1 chữ tiếng Nga vẫn vẫn nhắm mắt đi. Đến bây giờ tôi thực sự mới thấu hiểu bà. Một con người của nhiệt huyết, của lòng nhiệt tình, ham muốn vươn lên trong cuộc sống nhưng vì nhiều lí do bà không đạt được như ước mơ, bao nhiêu kì vọng bà đặt vào tôi. Ấy vậy mà ngày trước tôi giận bà vì nhiều thứ tôi không thích làm mà mẹ lại cứ áp đặt vào tôi. Cho đến khi nào tôi lầm lì nhất quyết không làm thì bà lại buồn, hay khóc. Rồi cái tính cách bướng bỉnh, không chịu cúi đầu của tôi phải giảm đi và chiều theo ý mẹ. Đơn giản tôi không muốn thấy bà khóc thêm một lúc nào nữa.

Giờ đây lắm lúc tôi cũng bị nghe nhiều lời về mẹ tôi, gia đình tôi, cách họ cư xử như thế nào. Tôi chấp nhận lắng nghe mọi ý kiến tốt xấu về bản thân tôi nhưng tôi đau nhiều hơn khi nó động chạm đến gia đình tôi. Tôi không ra mặt chống đối cũng vì nhiều lí do. Nhưng cuối cùng, tôi biết chỉ cần mình tôi hiểu tại sao, như thế nào, cho những hành động, cho những suy nghĩ đó của ba mẹ tôi. Dù họ đúng hay sai, tôi không trách. Nhưng việc đó không đồng nghĩa là tôi sẽ suy nghĩ theo đường lối ba mẹ tôi suy nghĩ. Họ có cái lí của họ. Tôi có chính kiến của riêng tôi. Nhưng cả tôi và ba mẹ đều biết cách nào để 2 suy nghĩ gặp nhau và đi ra 1 ý kiến thống nhất chung. Điều đó là điều tôi luôn tự hào, vì họ đã hiểu tôi nhiều thế nào. Mà cũng đúng thôi, tôi là con ba mẹ tôi mà.

Biết rằng nhìn ra ngoài, tôi còn thua kém nhiều người, về tiền bạc, học thức, tài năng, nhan sắc.
Biết rằng với thế giới, tôi còn nhiều điểm yếu, còn chưa trưởng thành, nhiều sai phạm, và nhiều khiếm khuyết
Biết rằng gia đình tôi, đối với xã hội cũng chỉ là hạt cát bé nhỏ mà thôi.

Nhưng

Tôi luôn tự hào về ba mẹ tôi.
Tôi luôn có lí do để tôi khiến cho ba mẹ tôi tự hào.

Vì ít ra,

tôi còn một trái tim biết yêu người, yêu đời,
tôi tự biết vấp ngã, tự biết vươn lên
tôi không oán than cho số phận hẩm hiu, cuộc đời bạc bẽo
tôi không dựa dẫm vào người khác ngoài gia đình tôi
và tôi ra đời khi chưa 18 tuổi.

0 comments:

Post a Comment

 
Blog Template by Delicious Design Studio